Khi thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa với quốc gia khác, bạn cần nắm rõ thông tin về các phương thức thanh toán quốc tế. Điều này giúp bạn tránh được những rủi ro có thể xảy ra và chọn lựa được phương thức phù hợp nhất với mình.
1. Tìm hiểu khái niệm về các phương thức thanh toán quốc tế
Các phương thức thanh toán quốc tế trở nên phổ biến và đa dạng hơn nhờ sự gia tăng của khối lượng mua bán, đầu tư, giao dịch, chuyển tiền quốc tế.
1.1 Phương thức thanh toán quốc tế chuyển tiền (Remittance) đang khá phổ biến
Với phương thức này, người mua sẽ yêu cầu ngân hàng chuyển tiền cho người bán ở một địa điểm nhất định bằng phương thức chuyển tiền do người bán quy định. Trong các phương thức thanh toán quốc tế, chuyển tiền là phương thức nhanh, ít rủi ro. Hai bên có thể thống nhất sẽ thực hiện chuyển tiền trả trước hoặc trả sau.
- Chuyển tiền trả sau: người mua chỉ chuyển tiền khi người bán đã giao hàng và bộ chứng từ hàng hóa.
- Chuyển tiền trả trước: người mua chuyển tiền trước rồi người bán giao hàng và bộ chứng từ hàng hóa sau.
Chuyển tiền có thể được thực hiện bằng 2 hình thức điện hối (T/T) hoặc thư hối (M/T).
1.2 Thanh toán quốc tế nhờ thu (Collection of payment) khắc phục được một số hạn chế của phương thức chuyển tiền
Người bán sẽ ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền thanh toán từ phía người mua hàng. Người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sẽ ký phát hối phiếu thu tiền từ phía người mua.
Phương thức thanh toán quốc tế nhờ thu bao gồm 2 phân loại:
- Nhờ thu trơn: là người bán nhờ ngân hàng thu hộ tiền hối phiếu ở người mua mà không có điều kiện kèm theo.
- Nhờ thu chứng từ: người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng và lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hối phiếu), nhờ ngân hàng thu hộ với điều kiện người mua trả tiền thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để nhận hàng.
Trong 2 phương thức trên, phương thức nhờ thu chứng từ thường được ưu tiên lựa chọn hơn vì nó có thể đảm bảo được quyền lợi của người bán.
1.3 Phương thức thanh toán quốc tế bằng thư tín dụng độc lập với hợp đồng cơ sở (Letter of Credit L/C)
Thư tín dụng là một văn bản do ngân hàng phát hành dựa trên yêu cầu của người mua cam kết sẽ trả tiền cho người bán khi họ xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ. Trong các phương thức thanh toán quốc tế, thanh toán bằng thư tín dụng được sử dụng khá phổ biến nhờ sự cân bằng được lợi ích của cả hai bên và giải quyết được mâu thuẫn khi cả 2 chưa đủ tín nhiệm. Thư tín dụng được hình thành trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhưng nó hoàn toàn độc lập với hợp đồng.
2. Những rủi ro trong các phương thức thanh toán quốc tế thường gặp.
Các phương thức thanh toán quốc tế đều mang những rủi ro nhất định. Sau đây là một số rủi ro mà người dùng có thể gặp phải:
- Rủi ro tín dụng: là rủi ro mất khả năng thanh toán của một trong các bên tham gia vào thanh toán.
- Rủi ro tỷ giá: sự biến động về tỷ giá gây ảnh hưởng không chỉ về phía người mua, người bán mà cả phía ngân hàng cũng chịu những tác động bởi tỷ giá.
- Rủi ro quốc gia: là những rủi ro liên quan đến sự thay đổi về chính trị, kinh tế, về chính sách quản lý của các quốc gia.
- Rủi ro đạo đức: là sự thiếu đạo đức kinh doanh của bên mua hoặc bên bán.
- Rủi ro pháp lý: xảy ra trong trường hợp có tranh chấp giữa các bên tham gia thanh toán. Vì môi trường pháp lý và hệ thống luật pháp của các quốc gia khác nhau.
- Rủi ro trong hoạt động và tác nghiệp: là sai sót kỹ thuật do các bên tham gia gây ra về sai sót trong hợp đồng, chứng từ,…
Mỗi phương thức thanh toán đều có ưu và nhược điểm riêng. Vì thế các cá nhân, doanh nghiệp khi lựa chọn các phương thức thanh toán quốc tế phải dựa vào thỏa thuận giữa hai bên cũng như để phù hợp với tập quán, luật lệ trong buôn bán quốc tế.